LỊCH SỬ ĐIỆN ẢNH CHÂU ÂU

LỊCH SỬ ĐIỆN ẢNH CHÂU ÂU

CHIẾU PHIM VÀ TỌA ĐÀM KHOA HỌC: ĐIỆN ẢNH CHÂU ÂU NHÌN TỪ TRƯỜNG ĐẠI HỌC

(NHÂN BUỔI RA MẮT SÁCH “LỊCH SỬ ĐIỆN ẢNH CHÂU ÂU” CỦA PGS.TS. PHẠM GIA LÂM)

Trong suốt hơn 100 năm lịch sử điện ảnh, điện ảnh châu Âu so với các khu vực khác trên thế giới là nền điện ảnh quan trọng và có lịch sử lâu đời nhất. Khác với điện ảnh Mỹ, điện ảnh châu Âu dù không có mức độ phổ biến tương đương, song, lại được đánh giá cao bởi tính hàn lâm của nó. Để có cái nhìn tổng quát nhất về nền điện ảnh này và những đóng góp quan trọng của nó đối với tiến trình phát triển của điện ảnh thế giới, công trình “Lịch sử điện ảnh châu Âu” của PGS. TS. Phạm Gia Lâm trình bày tổng quan về các hiện tượng quan trọng nhất trong lịch sử điện ảnh châu Âu (những trào lưu, khuynh hướng, tác giả và tác phẩm); giới thiệu bối cảnh lịch sử và văn hóa hình thành nên loại hình nghệ thuật này nói chung, những hiện tượng tiêu biểu của nó nói riêng; xem xét sự tương tác giữa điện ảnh châu Âu và các loại hình nghệ thuật khác (văn học, sân khấu, hội họa, âm nhạc) trong lịch sử phát triển của nó. Cuốn sách cũng đưa ra một hình dung về các giai đoạn hình thành và phát triển của điện ảnh từ cuối thế kỷ XIX đến thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, về sự phát triển của ngôn ngữ điện ảnh cũng như các nền điện ảnh dân tộc ở châu Âu, về điện ảnh tác giả của các nước Tây Âu và Nga như là nét khu biệt cơ bản với điện ảnh đại chúng của Mỹ.

“Lịch sử điện ảnh châu Âu” còn có sự kết hợp độc đáo giữa hai cách tiếp cận: tiếp cận lịch sử (xem xét tiến trình điện ảnh theo từng giai đoạn) và tiếp cận loại hình (nghiên cứu điện ảnh thông qua các trào lưu, các sáng tạo tiêu biểu), để thấy được diện mạo của điện ảnh châu Âu không chỉ là những sáng tạo của đạo diễn, mà còn là những khuynh hướng cơ bản của điện ảnh trong suốt chiều dài lịch sử hơn một thế kỷ tồn tại.

Sự kiện chiếu phim và tọa đàm khoa học: “Điện ảnh châu Âu nhìn từ trường đại học” được tổ chức nhân dịp ra mắt cuốn sách “Lịch sử điện ảnh châu Âu” của PGS. TS. Phạm Gia Lâm. Tọa đàm sẽ mang tới góc nhìn tổng quan về lịch sử điện ảnh châu Âu thông qua hoạt động nghiên cứu và giảng dạy trong môi trường đại học tại Việt Nam, cũng như trên thế giới. Sự kiện là một hoạt động ý nghĩa giúp một lần nữa khẳng định điện ảnh châu Âu là một bộ phận quan trọng trong tiến trình nghiên cứu điện ảnh thế giới. Đồng thời, tọa đàm sẽ khai mở những bước đi quan trọng cho việc nghiên cứu, giảng dạy điện ảnh tại Việt Nam trong bối cảnh đương đại toàn cầu hóa.

Tác giả của cuốn sách – PGS. TS. Phạm Gia Lâm – nguyên là Trưởng Bộ môn Nghệ thuật học (Khoa Văn học), nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội. Thầy tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1977, nhận bằng Tiến sĩ (Kandidat nauk) tại Liên Xô (cũ) năm 1988. Lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy của thầy là: Văn học và văn hóa Nga (ký hiệu học văn hóa trong sáng tác của các nhà văn cổ điển Nga thế kỷ XIX và XX); Văn học Nga hải ngoại; Điện ảnh châu Âu.

Trân trọng kính mời các quý học giả, độc giả tới tham dự sự kiện chiếu phim và tọa đàm khoa học: “Điện ảnh châu Âu nhìn từ trường đại học”!

________________

THÔNG TIN SỰ KIỆN

1. CHIẾU PHIM: THE PASSION OF JEANNE D’ARC (CARL THEODOR DREYER, 1928)

📍Thời gian: 13h – 15h | 04/10/2024

📍Địa điểm: phòng I403, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

2. TỌA ĐÀM KHOA HỌC: ĐIỆN ẢNH CHÂU ÂU NHÌN TỪ TRƯỜNG ĐẠI HỌC

📍Thời gian: 15h – 17h | 04/10/2024

📍Địa điểm: phòng E304, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

💙 Tác giả sách/ Diễn giả: PGS. TS. Phạm Gia Lâm

💙 Người bình luận:

– GVC. Trần Hinh

– PGS. TS. Phạm Thành Hưng

– PGS. TS. Phạm Xuân Thạch

– PGS. TS. Hoàng Cẩm Giang

– PGS. TS. Phùng Ngọc Kiên

– TS. Nguyễn Thị Thu Thủy

– TS. Nguyễn Thị Bích

– ThS. Hoàng Dạ Vũ

💙Người điều phối: TS. Lê Thị Tuân

📌Lưu ý: Sự kiện được tổ chức MIỄN PHÍ, dành cho tất cả các bạn sinh viên, học viên, cán bộ nhân viên trong trường và khán giả yêu thích điện ảnh ngoài trường.

Khán giả quan tâm đến sự kiện vui lòng đăng ký qua đường link sau: https://forms.gle/GEHEQMXFAH8cEnJu9

Để lại bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được ẩn