(2023) Oppenheimer?

(2023) Oppenheimer?

(2023) Oppenheimer?

Đối với tất cả những đồn đoán trước khi phát hành bộ phim này, nhiều anh em bình phim cho rằng, điểm lôi cuốn nhất sẽ là Christopher Nolan tái hiện lại vụ nổ thử nghiệm quả bom nguyên tử đầu tiên của nhân loại. Nhưng đời méo như mơ, điểm thu hút nhất của bộ phim này lại là phản ánh sâu sắc nội tâm nhân vật, qua những biểu cảm khuôn mặt. Nên cách thưởng thức bộ phim này có thể gọi là, nhìn mặt mà bắt hình dong.

Mình là Kiên Xoăn và đây là câu chuyện điện ảnh, nơi mình phân tích sâu về những bộ phim kinh điển trong thế giới điện ảnh, và bộ phim hôm nay là “Oppenheimer”, có lẽ đây là bộ phim xuất sắc nhất năm 2023.

Bộ phim không nói về bom nguyên tử…

Đạo diễn Christopher Nolan luôn nhồi nhét rất nhiều thông tin vào phim của mình. Làm cho phim như một cuốn tiểu sử dài ba tiếng đồng hồ về Robert Oppenheimer. Rất nhiều cuộc đối thoại, rất nhiều cuộc đánh cãi chửi nhau, rất nhiều thông tin cần nắm bắt. Cách mà họ phản ứng với những tin tốt và tin xấu. Và đôi khi họ lạc trôi trong những suy nghĩ của chính mình, không ai khác chính là nhân vật trong tên phim, ông là người giám sát đội ngũ phát triển hạt nhân tại Los Alamos, người có đóng góp mang tính cách mạng cho nền khoa học, mang lại cho ông ta biệt danh vị thần Prometheus của nước Mỹ, hay người biết trước tương lai.

Nolan sử dụng máy quay phim IMAX khổ lớn, không chỉ để ghi lại vẻ rộng lớn của toàn cảnh sa mạc New Mexico, mà còn tạo ra sự tương phản về vẻ lạnh lùng bên ngoài và sự hỗn loạn bên trong của Oppenheimer, một nhà vật lý lỗi lạc, một người khiêm tốn so với kiến thức ông có trong đầu, và là một nhà lãnh đạo có bản tính hơi bốc đồng. Những ham muốn tình dục vô độ đã khiến cuộc sống riêng tư của ông ta trở thành một thảm họa, và đóng góp lớn nhất của ông cho nền văn minh lại là một vũ khí có thể hủy diệt toàn nhân loại. Rất nhiều cảnh quay cận mặt cho thấy đôi mắt của ngôi sao Cillian Murphy đang nhìn chằm chằm vào sự vô định, và đôi khi nhìn thẳng vào ống kính. Trong những lúc đó, Oppenheimer tách rời khỏi những tương tác cuộc sống và bị lạc trong miền ký ức, những ảo tưởng và cơn ác mộng ban ngày.

Đôi khi những cảnh phim cận cảnh khuôn mặt của nhân vật bị gián đoạn bởi những cảnh quay chớp nhoáng, về những sự kiện chưa xảy ra hoặc đã xảy ra. Có những hình ảnh lặp đi lặp lại về ngọn lửa, mảnh vỡ và các vụ nổ phản ứng dây chuyền giống như một chuỗi pháo, cũng như những hình ảnh không phải cháy nổi nhưng gợi lên những thảm họa khủng khiếp khác. Những cảnh phim này không chỉ liên quan đến quả bom thử nghiệm mà Oppenheimer cho nổ trên sa mạc, mà nó là những điều thầm kín đang không ngừng nổ trong cuộc đời Oppenheimer. Chính tay ông nhấn vào chiếc nút đỏ trong phút giây nóng giận, mình đang nói đến chiếc nút đỏ trong tâm trí của ông, là sự kiêu hãnh và thèm khát, là những lần ông mắc sai lầm vì sự ngây thơ và thiếu suy nghĩ, khiến cho người khác tức giận, và những người đó đã trả lại cho ông một quả bom, họ đặt quả bom đó vào tâm trí của ông.

Chúng ta có cái nhìn tổng thể về bộ phim như thế nào?

Khái quát một cách dễ hiểu thì bộ phim có 2 góc nhìn của 2 nhân vật, phần lớn là góc nhìn của Oppenheimer bằng những thước phim có màu, phần còn lại là góc nhìn của “Iron Man phiên bản đầu hói”. Bố cục câu chuyện được chia làm hai, trước khi thử nghiệm bom nguyên tử thành công và từ thời gian đó về sau.

Phần một nói về cuộc đời anh thanh niên Oppenheimer và những nỗ lực và ý chí của anh khi chế tạo ra bom nguyên tử. Phần hai là câu chuyện những vấn đề tâm lý, hậu quả của 2 quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima và Nagasaki. Ngoài những vấn đề chính thì phim còn kể về nhiều tuyến nhân vật và các câu chuyện liên quan khác.

Vấn đề tâm lý và ý nghĩa của bộ phim được thể hiện qua những cảm xúc bên trong, không chỉ của Oppenheimer, mà còn của những nhân vật quan trọng khác, bao gồm Tướng Leslie Groves, người giám sát quân sự của Los Alamos. Người vợ đau khổ của ông là Kitty Oppenheimer, người có đầu óc sáng suốt nhưng chỉ ở trong nhà chăm con, lẽ ra có thể ngăn chặn rất nhiều thảm họa nếu chồng bà chịu lắng nghe. Và Lewis Strauss, chủ tịch Ủy ban Năng lượng Nguyên tử, người đã coi thường Oppenheimer vì nhiều lý do, bao gồm cả việc ông luôn nghĩ rằng Oppenheimer nói xấu sau lưng mình, vì người hay đi đêm luôn tưởng tượng ra những bóng ma, và ông là người đã dành nhiều năm cố gắng hạ bệ sự nghiệp của Oppenheimer sau vụ Los Alamos.

Bộ phim nói về nội tâm của Oppenheimer…

Phần hai của bộ phim là câu chuyện đầy đủ mọi loại cảm xúc, sự nhỏ nhen, tầm thường và ghen tuông ích kỷ. Đặt cho chúng ta câu hỏi, tại sao nhân vật này lại làm điều đó? Lý do động cơ của họ là gì? Và chính họ có biết tại sao họ làm điều đó không?
Mình tin rằng phần hai mới thực sự là nội dung cốt lõi của “Oppenheimer”, ý nghĩa ẩn dụ của phim nó không phải là quả bom nguyên tử, hay thậm chí tác động của nó đối với cuộc chiến và dân thường Nhật Bản, bộ phim nói về tác động của nó đối với những người tạo ra nó. Tất cả mọi cuộc tàn phá hủy diệt điều chúng ta chỉ thấy trên đài phát thanh, không có tái hiện trong phim, cũng như việc Oppenheimer không thực sự nhìn thấy hậu quả của nó đối với Nhật Bản, bộ phim thể hiện được tác động của bom nguyên tử đối với cơ thể con người, nhưng phim không có phân cảnh cuộc tấn công thực sự vào Nhật Bản, mà phác họa điều khủng khiếp đó qua tâm trí của các nhân vật trong phim. Vậy nên, Oppenheimer đau đớn khi tưởng tượng ra cảnh người Mỹ sẽ trải qua nó. Quyết định làm phim kiểu này có khả năng sẽ gây ra sự ức chế, đối với những người xem muốn thấy được sự tàn phá của bom nguyên tử đối với Hiroshima và Nagasaki, lẫn cả những người xem đã tin vào lập luận của Strauss, rằng những quả bom phải được thả xuống vì nếu không thì Nhật Bản sẽ không bao giờ đầu hàng.

Bộ phim không cho biết quan điểm nào mới là đúng, có cần phải sử dụng đến con át chủ bài hay không, hay Nhật Bản vốn sẵn đã yếu vào thời điểm đó trong Thế chiến thứ hai, và cuối cùng họ sẽ đầu hàng mà chẳng cần đến các cuộc tấn công nguyên tử giết chết hàng trăm nghìn người, đa số là thường dân. Nó chỉ là một cuốn sách lịch sử đơn thuần được kể với giọng văn kịch tính hơn, không hề đưa ra quan điểm như thế nào mới là đúng và sai. Chính Oppenheimer cũng không hề ý thức được việc mình làm một cách sâu sắc, bản thân ông ta chỉ đến khi nghe được tin về sự hủy diệt mà hai quả bom gây ra, ông ta mới bàng hoàng một cách thật sự, vì chính trị là một công việc không thể được làm theo cảm xúc cá nhân.

Khuôn mặt của Oppenheimer xuất hiện ở cảnh đầu tiên và ở cảnh kết thúc của phim. Đây là một điều nổi bật khác về bộ phim. Nhưng nó không hoàn toàn nói về Oppenheimer, mặc dù khuôn mặt ác độc và đôi mắt mờ đục đầy ám ảnh của ông ta thống trị bộ phim này.

Khuôn mặt đó là sự ẩn dụ về những tác động tâm lý của Oppenheimer đối với những người khác, từ những thành viên có ý chí mạnh mẽ trong nhóm phát triển bom nguyên tử của ông. Vợ ông, hay tình nhân của Oppenheimer là Jean Tatlock. Tướng Groves, người thích Oppenheimer bất chấp sự kiêu ngạo của ông ta, nhưng không đứng về phía ông ta trong chính phủ Hoa Kỳ. Và thậm chí cả Harry Truman, tổng thống Hoa Kỳ, người đã ra lệnh thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, và là người lật mặt nhanh như lật bánh tráng, chế giễu Oppenheimer là một “đứa trẻ hay khóc”, ngây thơ và tự ái, nói Oppenheimer là người nhìn lịch sử chủ yếu theo cảm xúc của cá nhân.

Bộ phim nói về nội tâm của Lewis Strauss…

Rất khó để bạn biết được ai diễn xuất tốt nhất trong bộ phim Oppenheimer. Trong khi Christopher Nolan đã tập hợp nguyên một dàn diễn viên tài năng cho “Oppenheimer”, bộ phim lịch sử vĩ đại của ông nói về sự ra đời của bom nguyên tử và hậu quả khủng khiếp của nó đem lại. Bộ phim là sự kết hợp tuyệt vời của những diễn viên hàng đầu Hollywood, những ngôi sao hạng A, những gương mặt bạn luôn nhớ mặc dù bạn đã quên mất tên của họ. Người thể hiện ra được ý chí mãnh liệt và lương tâm tội lỗi của Oppenheimer. Sức hút của Lewis Strauss bởi sự nóng nảy, hình tượng đặc trưng thường thấy ở một ông lớn nhưng lại đầy sự nhỏ nhen và ích kỷ. Nhà vật lý Isidor Isaac Rabi giống như một người bạn ấm áp với chủ nghĩa thực dụng. Tuy nhiên, một gương mặt sẽ khiến bạn nhớ ở trong bộ phim này, đó là một nhân vật thậm chí còn chẳng được đặt tên.

Alden Ehrenreich trong vai một phụ tá của thượng nghị sĩ, một trong số nhiều nhân viên của chính phủ đứng đằng sau và bên cạnh những ông to bà lớn, để giúp bôi trơn các bánh xe quyền lực. Anh ấy đã được giao nhiệm vụ hướng dẫn Lewis Strauss thông qua các phiên điều trần của Thượng viện về việc đề cử ông làm Bộ trưởng Bộ thương mại Hoa Kỳ. Tay trợ lý này về cơ bản là một người góp phần đưa thông tin thêm vào bộ phim, một người hướng dẫn cho Lewis Strauss về mạng lưới rối rắm của chính phủ thời Chiến tranh Lạnh, và nói về những nhân vật đứng đầu đã biến nền chính trị thành bãi chiến trường. Về cơ bản anh này là nhân vật phụ của phụ, nhưng anh vẫn có đất diễn để lột tả tầm quan trọng của mình. Tất nhiên, còn hàng chục những anh trợ lý giấu tên khác xung quanh để thực hiện công việc hỗ trợ bôi trơn này.

Và chính Ehrenreich là người có câu thoại hay nhất trong phim. Khi Strauss khoác áo lên chuẩn bị sẵn sàng đối mặt với sự ồn ào của phóng viên báo chí, bên ngoài căn phòng sau lúc Thượng viện từ chối ông, anh trợ lý khéo léo che giấu niềm vui của mình, nhưng vẫn tiết lộ đủ để Strauss biết tầm quan trọng về vấn đề này. Strauss bị ám ảnh bởi sự thiên tài của Oppenheimer, luôn nghĩ rằng Oppenheimer khiến cộng đồng các nhà khoa học chống lại ông, bao gồm cả Albert Einstein. Ông ta liên tục nói đi nói lại về một cuộc trò chuyện bí mật giữa Einstein và Oppenheimer, ông ta dám chắc là cuộc trò chuyện đó đã khiến cho Einstein “cạch” mặt ông.
Trước khi mở cửa cho những con “sói săn tin tức”, trợ lý thượng nghị sĩ có nói: “Có lẽ, họ đã nói về điều gì đó quan trọng hơn.”

Câu nói này thốt ra đem đến sự tàn phá khủng khiếp bên trong Strauss, bởi vì Strauss nhận ra rằng số phận của cả thế giới đối với ông chẳng có ý nghĩa gì, khi so với những bất bình nhỏ nhặt của bản thân con người ông. Quan trọng hơn nghĩa là quan trọng hơn điều gì? Quan trọng hơn những suy nghĩ tầm thường nhỏ nhen của ông chăng? Ông đã từng bị Oppenheimer làm cho bẽ mặt, nhưng có lẽ chỉ mình ông quan tâm đến điều đó, với sự khó chịu kéo dài nhiều năm về sau, nó thúc đẩy việc ông muốn hạ bệ Oppenheimer. Còn Oppenheimer chưa bao giờ nghĩ đến điều đó, thực tế trong cuộc trò chuyện, Oppenheimer và Einstein thậm chí không đề cập đến Strauss, mình không muốn spoil cuộc trò chuyện này, nhưng bạn có thể hiểu rằng, câu thoại mà anh trợ lý thượng nghị sĩ nói ra, khiến cho Strauss biết rằng, ông ấy là một thằng khốn ích kỷ. Cuộc trò chuyện của Oppenheimer và Einstein thực sự đã nói về những điều quan trọng hơn rất nhiều, so với cuộc phỏng vấn xin việc của một chính trị gia, hay những mối quan tâm tầm thường của con người. Dự án Mã Nhật Tân làm gia tăng thêm khả năng hủy diệt không thể tránh khỏi của toàn nhân loại, nhưng đối với kẻ ích kỷ, nó chỉ là một ngày làm việc tại văn phòng, ông ta coi một công cụ hủy diệt chỉ là hàng hóa để trao đổi thương mại, nhưng lại luôn nghĩ rằng người khác nói xấu sau lưng mình.

Câu thoại này làm phơi bày tim đen của Strauss, kèm theo lời nói đầy sát thương đó là một nụ cười nhếch mép. Có lẽ, họ đã nói về điều gì đó quan trọng hơn… những suy nghĩ ích kỷ và tầm thường của Lewis Strauss.

Bộ phim này không thực sự đi sâu vào câu chuyện lịch sử, hay đi phân tích lịch sử thế giới, bởi vì với đạo diễn Nolan, điểm thu hút không phải là ở câu chuyện, mà chính là cách nhà làm phim kể nó như thế nào. Nolan không chỉ là một đạo diễn, nhà biên kịch, mà cách thức kể chuyện của ông là sử dụng những thứ bên ngoài để nói lên nội tâm bên trong, tạo ra những bộ phim bom tấn có phần khoa trương, hơi phức tạp, cuối cùng khiến người xem đi giải mã những điều ẩn sâu bên trong một nhân vật. Nhưng bộ phim này thì dễ thở hơn, tất nhiên là nếu bạn tập trung không bỏ sót chi tiết nào. “Oppenheimer” sẽ là một món siêu ngon miệng với những người thích tranh cãi và bàn luận về phim, vì nó có quá nhiều điều để nói, để phân tích.

Mà mình chỉ viết đến đây thôi, còn điều gì mình chưa nói bạn hãy bình luận ở dưới. Cảm ơn bạn đã lắng nghe, nhớ đăng ký kênh của mình nha.

Để lại bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được ẩn